CÁCH ĐỌC VÀ HIỂU ĐÚNG VỀ BẢNG THÀNH PHẦN TRONG MỸ PHẨM

Dưỡng da khoa học đâu là điểm đầu tiên chúng ta cần chú ý đến, chắc chắn là thành phần của sản phẩm rồi nhỉ. Nhìn List Ingredient để biết mình đang bôi gì lên da, có tác dụng như thế nào, sản phẩm có tốt hay không…

Vậy nên, chủ đề về đọc thành phần luôn nhận được rất nhiều quan tâm của mọi người, nhất là những bạn mới bắt đầu tập tành skincare. Bài viết này SENVi sẽ giúp bạn cách đọc – hiểu đúng về bảng thành phần trong mỹ phẩm, các kiến thức cơ bản, dễ hiểu nhất để ai cũng có thể nắm được trước khi lựa chọn mua mỹ phẩm cho mình nhé.

I/ GHI NHỚ CÁC CHẤT CÓ HẠI
Mặc dù các chất trong danh sách dưới đây đều có một vai trò và lợi ích cụ thể trong một sản phẩm nào đó. Nhưng dù vậy, chúng vẫn là những chất không có lợi cho da, nhất là đối với những làn da nhạy cảm, có thể sẽ khiến da bạn kích ứng, dị ứng, nổi mụn và hơn thế. Vậy nên, nếu bạn có một làn da mụn, nhạy cảm, dễ kích ứng hãy tránh xa những sản phẩm chứa 1 hoặc nhiều chất có trong danh sách sau nhé:

1. Dầu khoáng
Đây là dạng dầu thô nguồn gốc từ dầu mỏ, được sử dụng với mục đích khóa ẩm, nó tạo một lớp màng trên bề mặt da, không chỉ khiến da khó đào thải dầu thừa, gây bít tắc lỗ chân lông, nó khiến da giảm khả năng hô hấp. Nguy hiểm hơn, thành phần này được cho là có khả năng gây ung thư.

Danh sách các loại dầu khoáng: Liquid paraffin, liquid petroleum, petrolatum, paraffin oil, petroleum oil, petrolatum liquid, petrolatum jelly, paraffinum liquidum.

2. Parabens
Thành phần này được sử dụng là chất bảo quản cho sản phẩm. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng Parabens kích thích sản sinh estrogen làm tăng nguy cơ ung thư vú ở nữ và giảm lượng tinh trùng ở nam.

Các chất đuôi paraben bạn nên tránh như: methylparaben, butylparaben, isobutylparaben, propylparaben, parahydroxybenzoate.

3. Polyunsaturated Fatty Acid (Chất béo không bão hòa)
Do cấu trúc phân tử dễ bị oxy hóa, hư hại do nhiệt độ, do không khí,tịa UV… quá trình chúng bị oxy hóa tạo ra các gốc tự do tấn công da. Chúng ta đều biết gốc tự do có hại với da như thế nào nhỉ, làm cho da lão hóa, sạm, nám và hàng loạt các vấn đề khác.

Một số chất béo không bão hòa đa thể điển hình có thể kể đến như dầu đậu nành, dầu mè, dầu hạt nho, dầu rosehip.

Một số sản phẩm có chứa chất béo không bão hòa đa thể nhằm mục đích tăng cường giữ ẩm cho da. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc lựa chọn những sản phẩm có các thành phần này và nếu có chỉ nên ở cuối bảng thành phần.

4. Siloxanes
Thành phần thường thấy trong các sản phẩm như kem dưỡng, nó là hợp chất gốc silicon, lý do được sử dụng là sẽ khiến cho bạn có cảm giác da mịn màng hơn do nó lấp đầy các kẽ hở, rãnh trên da. Ngoài ra, nó được dùng như một thành phần chịu trách nhiệm khóa ẩm, chúng sẽ tạo một lớp màng phủ lên da để ngăn hơi nước thoát ra, ngăn tình trạng da mất nước.

Cũng chính vì cơ chế này mà nước không thể bay hơi, đồng thời, dầu thừa trong da muốn thoát ra ngoài cũng không thể được, nó tắc lại ở bên trong cộng với bụi bẩn, tế bào chết tích tụ sẽ là điều kiện vô cùng tuyệt vời cho mụn sinh sôi và phát triển.

Ngoài siloxanes, các gốc silicon khác cũng có thể gây bít tắc chẳng hạn như: dimethicone, phenyl trimethicone, cyclopentasiloxane….

Các loại silicon gây bít tắc, gây mụn

5. Cồn khô
Dạng cồn có chuỗi phân tử ngắn, được sử dụng nhằm mục đích giúp cho các hoạt chất thấm sâu hơn vào bên trong, kiềm dầu. Tuy nhiên, tác hại của cồn khô lại rất lớn, nó phá vỡ màng bảo vệ da, khiến da mất đi lượng dầu tự nhiên, mất phản xạ cân bằng dầu khiến cho da tiết dầu nhiều hơn, dễ kích ứng và mụn.

Một số loại cồn khô như: Ethanol, Propanol alcohol, Alcohol Denat, Ethyl Alcohol, Isopropanol Alcohol, Benzyl alcohol, Isopropyl alcohol.

6. Chì
Chì là chất độc hại được tìm thấy trong các sản phẩm làm đẹp, nó được sử dụng với mục đích tăng độ bám dính và độ mịn cho da.

Tuy nhiên, mối nguy hại từ chì trong mỹ phẩm là rất lớn, làm rối loạn nội tiết, gây nguy cơ ung thư, ảnh hưởng đến sinh sản và các vấn đề khác về sức khỏe.

7. Hương liệu
Lý do mà khiến cho nó trở thành một trong những thành phần không có lợi cho da là vì nó có thể khiến bạn bị dị ứng. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm chăm sóc cơ thể hiện nay đều chứa hương liệu. Thậm chí, nếu có sản phẩm nào đó ghi “không chứa hương liệu” thì không có nghĩa đó là sự thật mà có thể chúng được giấu đi bởi những hóa chất khác hoặc không công bố mà thôi.

Hương liệu sẽ dễ trở thành mối nguy hơn nếu nó trong dãy đầu bảng thành phần. Trong trường hợp chứa nó nằm ở đáy bảng bạn có thể không cần phải lo lắng về khả năng gây dị ứng.

8. Sulfate
Chất tạo bọt, chất tẩy rửa thường có mặt trong các sản phẩm làm sạch, như sữa rửa mặt, dầu gội… Thành phần này làm khô da, mất lớp dầu tự nhiên của da, gây tổn thương, khô và kích ứng.

Một số loại như lauryl sulfat natri, lauryl sulfate amoni, natri sulfat natri…

II/ Đọc và hiểu đúng về bảng thành phần mỹ phẩm
1. Thứ tự sắp xếp thành phần
Theo quy định của FDA không bắt buộc phải ghi chính xác tỉ lệ % các thành phần trong bảng danh sách, ưu tiên sắp xếp theo hàm lượng từ cao đến thấp.

Vậy, có phải càng xếp sau thì càng không tốt hay không?

Câu trả lời là không chắc, lý do là, với hàm lượng dưới 1% nhà sản xuất có quyền ghi trước hoặc ghi sau. Chẳng hạn, hàm lượng 0.01% có thể đứng trước chất có 0.9% trong bảng thành phần.

2. Đọc – hiểu thông tin về thành phần như thế nào?
Để làm đẹp bảng thành phần, các nhà sản xuất đều biết cách biến tấu hoặc pha trộn chúng nhằm mục đích biến ingredients list trở nên hoa mỹ hơn, PR cho sản phẩm bằng cách tách thành phần chính thành các chất nhỏ, hoặc thêm vào những chất nồng độ thấp, đứng sau chất bảo quản, có nghĩa là chúng chỉ có mặt góp vui chứ không có tác dụng gì.

Với những bảng thành phần dài hàng cây số bạn cũng không cần cố gắng biết hết chúng làm gì, chỉ cần để ý đến những cái tên chính.

Thông thường, trong 1 sản phẩm dưỡng da sẽ có 4 nhóm thành phần chính: nhóm chất dưỡng ẩm, nhóm chất khóa ẩm, nhóm actives, nhóm chất bảo quản.

Nhóm thành phần dưỡng ẩm

Nhóm thành phần có tác dụng giữ nước ở dưới da, nó lôi kéo nước từ không khí, hoặc từ sâu chân bì để cấp ẩm cho tầng thượng bì và trung bì của da.

Các chất dưỡng ẩm gồm:

Panthenol
Hyaluronic acid/ Sodium hyaluronate (muối HA có phân tử nhỏ hơn)
Glycerin
acid lactic, glycolic acid, mandelic acid..
Honey (mật ong)
aloe vera/ aloe barbadensis
Urea
Propylene glycol
Gluconolactone

Panthenol – thành phần có tác dụng dưỡng ẩm sâu, phục hồi da

Nhóm thành phần khóa ẩm

Các chất dưỡng ẩm tuy có khả năng cấp ẩm sâu nhưng nó lại rất dễ bay hơi, khi này nhóm chất khóa ẩm sẽ tạo lớp màng bảo vệ bên ngoài ngăn độ ẩm “bốc hơi”. Nhóm này sẽ gồm có những chất như sau:

Dầu jojoba
Bơ hạt mỡ
Cetyl Alcohol
Dầu dừa
Lecithin….
Nhóm thành phần Active – Inactive

Các thành phần hoạt tính thực hiện một chức năng cụ thể nào đó.

Retinol/tretinoin – vitamin A: chống gốc tự do, ngăn ngừa lão hóa, tái tạo tế bào.
Titanium dioxide: chống nắng
Hydroquinone/ Alpha Arbutin: trắng da
Benzoyl peroxide: trị mụn trứng cá…
Bên cạnh những thành phần active thì những chất Inactive không thực sự hoạt động nhưng chúng ở bên cạnh để hỗ trợ hoạt chất và tăng thêm công dụng, chẳng hạn như các chất chống oxy hóa, anti inflammation (kháng viêm)….

Retinol – vitamin A hoạt động như chất chỉ huy tế bào, trung hòa gốc tự do, ngăn ngừa lão hóa

Nhóm chất bảo quản
Có thể nhắc đến nhóm chất bảo quản sẽ khiến cho nhiều người nghi ngại, nhưng sự thật, chất bảo quản lại rất cần thiết, nếu không có chất bảo quản mỹ phẩm sẽ bị nấm, mốc, nhanh hư hỏng, nhiễm khuẩn gây hại cho da.
Nếu một sản phẩm nào đó công bố không có chất bảo quản thì bạn cũng nên cân nhắc bởi thời gian sử dụng rất ngắn và tiềm ẩn những nguy cơ khi bị oxy hóa.
Trước kia, paraben được dùng làm chất bảo quản. Tuy nhiên, những tác hại của nó tới sức khỏe và làn da của người dùng là rất lớn. Ngày nay, người ta dùng các chất bảo quản khác an toàn hơn, ví dụ như:
Các loại cồn
Tinh dầu tự nhiên (neem oil, tea tree oil, rosemary)
Sodium benzoate, potassium sorbate
Gluconolactone
Phenoxyethanol
Dehydroacetic acid
3. Lưu ý dùng mỹ phẩm đúng cách

Đến đây, chắc chắn bạn đã hiểu hơn về thành phần mỹ phẩm. Một điều lưu ý là bạn nên layer các sản phẩm riêng biệt, chẳng hạn như sản phẩm có chức năng dưỡng ẩm riêng, sản phẩm có chức năng khóa ẩm riêng thì cần layer đúng cách.

Luôn dùng dưỡng ẩm trước, sau đó khóa ẩm sau. Nếu làm sai quy trình, bôi sản phẩm có chức năng khóa ẩm trước thì sẽ ngăn cản sản phẩm có chức năng cấp ẩm không thâm nhập vào bên trong.

Kết bài: Bảng thành phần là yếu tố quan trọng để biết sản phẩm đó có chức năng gì với da, có an toàn hay không. Tuy nhiên, để tìm được một sản phẩm toàn năng đáp ứng hết các yêu cầu đề ra là khá khó khăn. Hãy chọn những sản phẩm riêng biệt, sau đó kết hợp chúng với nhau để tạo nên hiệu quả tốt nhất nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *